Tìm kiếm
Tìm kiếm
Chăm sóc cá nhânChăm sóc sắc đẹpThực phẩm chức năngChăm sóc răng miệngHỗ trợ tiêu hóaSức khỏe tim mạchDụng cụ Y tếSinh lý - Nội tiết tốSức khỏe Mẹ & Bé
Quay lại

Bệnh tự miễn là gì? Nguyên nhân, biến chứng và phương pháp điều trị

11.11.2024Bệnh

Kích thước chữ:
Bệnh tự miễn có mức độ nguy hiểm được xếp hàng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Vậy những nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, phương pháp điều trị và cách phòng ngừa bệnh tự miễn là gì? Hãy cùng Pharmarket tìm hiểu thêm nhé!

bệnh tự miễn

Bệnh tự miễn là gì? 

Bệnh tự miễn là nhóm các bệnh lý do hệ miễn dịch của cơ thể tự tấn công chính các tế bào và mô của mình thay vì bảo vệ cơ thể khỏi vi khuẩn và virus. 

Hệ miễn dịch hoạt động như một “hàng rào phòng thủ” giúp ngăn ngừa các yếu tố gây hại từ môi trường. Tuy nhiên, ở người mắc bệnh tự miễn, hệ miễn dịch bị rối loạn và không phân biệt được giữa tế bào lạ và tế bào của chính cơ thể dẫn đến việc tấn công vào các mô và cơ quan, gây ra các tổn thương và viêm nhiễm.

Hiện nay, có hơn 100 loại bệnh tự miễn đã được xác định và nghiên cứu. Những bệnh này có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận và hệ cơ quan khác nhau trong cơ thể. Dưới đây là một số bệnh tự miễn phổ biến nhất:

Các bệnh tự miễn này gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và cần được chẩn đoán cũng như điều trị kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

bệnh tự miễn still

Nguyên nhân gây nên bệnh tự miễn 

Căn nguyên của bệnh là do chính hệ thống miễn dịch tấn công các cơ quan trong cơ thể. Bên cạnh đó, một số yếu tố có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

  • Tuổi trưởng thành

  • Di truyền

  • Tiếp xúc lâu dài với môi trường độc hại và ô nhiễm 

  • Lối sống và chế độ dinh dưỡng không phù hợp 

  • Hút thuốc lá

  • Tiếp xúc quá nhiều với tia cực tím từ ánh sáng mặt trời

Triệu chứng của bệnh tự miễn

Triệu chứng của bệnh tự miễn có thể rất đa dạng và phụ thuộc vào loại bệnh cụ thể mà người bệnh mắc phải. Một số triệu chứng chung bao gồm:

  • Mệt mỏi kéo dài: triệu chứng phổ biến ở nhiều bệnh tự miễn, khiến người bệnh cảm thấy kiệt sức.

  • Đau khớp và cơ bắp: đau nhức, sưng và cứng khớp là những biểu hiện thường gặp.

  • Sốt nhẹ kéo dài: một số người bệnh có thể bị sốt nhẹ mà không rõ nguyên nhân.

  • Phát ban da: các vấn đề về da như phát ban, ngứa và tổn thương da thường xuất hiện.

  • Rối loạn tiêu hóa: một số bệnh tự miễn gây ra các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy, đau bụng và buồn nôn.

Ngoài ra, tùy thuộc vào loại bệnh, có thể xuất hiện các triệu chứng đặc thù khác như:

  • Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống: Gây ra tình trạng mệt mỏi, phát ban ở mặt, đau khớp và có thể ảnh hưởng đến thận và tim.

  • Viêm khớp dạng thấp: Gây đau và viêm khớp, đặc biệt là khớp tay và chân.

  • Tiểu đường tuýp 1: Khiến tuyến tụy không sản xuất đủ insulin, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao.

triệu chứng bệnh tự miễn

Biến chứng của các bệnh tự miễn

Bệnh tự miễn không chỉ gây ra các triệu chứng khó chịu mà còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Dưới đây là một số biến chứng nguy hiểm phổ biến do bệnh tự miễn gây ra:

Tổn thương các cơ quan nội tạng

Các bệnh tự miễn có thể gây tổn thương đến tim, thận, gan và phổi. Việc hệ miễn dịch tấn công các cơ quan này có thể dẫn đến suy giảm chức năng và trong một số trường hợp sẽ gây suy tạng. Việc tổn thương cơ quan nội tạng nếu không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe thậm chí gây nguy hiểm tính mạng.

Suy giảm chức năng miễn dịch

Người mắc bệnh tự miễn thường có hệ miễn dịch yếu hoặc bị ức chế do sử dụng các loại thuốc điều trị dễ khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng và khó hồi phục sau các bệnh nhiễm khuẩn. Họ phải đối mặt với nguy cơ cao bị nhiễm trùng ở phổi, da, và đường tiết niệu, khiến việc điều trị phức tạp và kéo dài hơn. Những đợt nhiễm trùng lặp đi lặp lại có thể làm tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng, gây khó khăn cho quá trình điều trị.

Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus gây viêm mạn tính và tổn thương mạch máu và có thể làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, huyết áp cao. Các yếu tố này làm tăng khả năng mắc các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, suy tim và các bệnh lý về mạch vành. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở người bệnh tự miễn thường cao hơn so với người bình thường.

Rối loạn tâm lý và sức khỏe tinh thần

Người mắc bệnh tự miễn có thể gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày do các triệu chứng mạn tính như đau cơ, mệt mỏi và mất ngủ dẫn đến trầm cảm, rối loạn lo âu và các rối loạn tâm lý khác. Bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần khiến người bệnh dễ cảm thấy căng thẳng và áp lực trong việc đối mặt với những thách thức hàng ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

biến chứng bệnh tự miễn

Loãng xương và thoái hóa khớp

Các bệnh tự miễn ảnh hưởng đến xương khớp như viêm khớp dạng thấp và lupus thường gây đau và viêm khớp mạn tính dẫn đến thoái hóa khớp và giảm mật độ xương. Việc sử dụng thuốc corticosteroid trong điều trị cũng làm tăng nguy cơ loãng xương, khiến xương trở nên giòn và dễ gãy. Loãng xương và thoái hóa khớp khiến người bệnh dễ gặp chấn thương và đau nhức, làm giảm khả năng vận động.

Những biến chứng trên đòi hỏi người bệnh cần được chẩn đoán và theo dõi chặt chẽ, điều trị kịp thời để ngăn ngừa nguy cơ nghiêm trọng, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe.

Phương pháp điều trị bệnh tự miễn 

Hiện nay, chưa có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh tự miễn nhưng các phương pháp điều trị tập trung vào việc kiểm soát triệu chứng và làm chậm tiến triển của bệnh. Các phương pháp điều trị chính bao gồm:

  • Dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen, aspirin giúp giảm đau và viêm hiệu quả

  • Thuốc ức chế miễn dịch như methotrexate và corticosteroid được sử dụng phổ biến giúp ngăn hệ miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh

  • Liệu pháp thay thế globulin miễn dịch

  • Bổ sung vitamin, hormone mà cơ thể thiếu do bệnh tự miễn gây ra (hormone tuyến giáp, vitamin B12, vitamin D hoặc insulin)

  • Vật lý trị liệu để hỗ trợ vận động nếu xương, khớp hoặc cơ bị ảnh hưởng

  • Các liệu pháp hỗ trợ như yoga, thiền định và các nhóm hỗ trợ để có thể kiểm soát căng thẳng, cải thiện chất lượng giấc ngủ và nâng cao tinh thần

Cách phòng ngừa bệnh tự miễn

Dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn bệnh tự miễn, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau đây có thể giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh:

  • Duy trì chế độ ăn uống cân đối

  • Vận động thường xuyên

  • Hạn chế căng thẳng

  • Ngủ đủ giấc

  • Hạn chế tiếp xúc với chất độc hại

tập thể dục đều đặn

Bệnh tự miễn là một thách thức lớn đối với y học và người bệnh. Hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và các phương pháp điều trị là cách tốt nhất để kiểm soát bệnh và giảm thiểu tác động của nó đến sức khỏe. Bên cạnh đó, việc duy trì lối sống lành mạnh và tránh các thói quen có hại sẽ là chìa khóa để phòng ngừa bệnh tự miễn hiệu quả.

Tìm hiểu thêm trên Nền tảng phân phối Dược phẩm trực tuyến tại Việt Nam - Pharmarket.