Cảm cúm giao mùa là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng ngừa và điều trị
Nguyên nhân mắc cảm cúm giao mùa
Thời điểm giao mùa làm xuất hiện sự thay đổi lớn về nhiệt độ và độ ẩm trong không khí, làm cho cơ thể khó thích nghi và hệ miễn dịch trở nên yếu hơn, tạo cơ hội cho virus cúm xâm nhập và phát triển. Trong những ngày đầu mùa thu hoặc xuân, khi không khí mát mẻ vào buổi sáng và buổi tối nhưng lại nóng bức vào buổi trưa, cơ thể phải đối mặt với nhiều biến đổi môi trường, dễ dẫn đến nhiễm cúm.
Tại miền Bắc, thời gian chuyển mùa thường kéo dài từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 10. Ở miền Nam, giai đoạn giao mùa thường rơi vào khoảng tháng 4 và tháng 10. Còn ở miền Trung, giai đoạn chuyển mùa diễn ra trong giữa tháng 8 và cuối tháng 12.
Triệu chứng cảm cúm
Triệu chứng của cảm cúm giao mùa thường xuất hiện khá nhanh và có thể kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Các dấu hiệu điển hình bao gồm:
-
Sốt cao, thường từ 38-39 độ C
-
Cảm giác lạnh người và ớn lạnh
-
Ho khan, đau họng và nghẹt mũi
-
Đau đầu, đau nhức toàn thân
-
Nôn mửa, tiêu chảy hoặc chán ăn
Trong nhiều trường hợp, triệu chứng cúm dễ bị nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường, nhưng cúm thường gây ra mệt mỏi nặng nề và khó chịu hơn.
Nếu các triệu chứng kéo dài và có dấu hiệu nặng như khó thở, đau ngực hoặc sốt không giảm, người bệnh nên đi khám bác sĩ để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Cách điều trị cảm cúm giao mùa
Khi mắc cảm cúm giao mùa, việc điều trị và chăm sóc cơ thể đúng cách là vô cùng quan trọng để tránh tình trạng bệnh kéo dài và gây biến chứng. Các cách phổ biến điều trị cảm cúm giao mùa bao gồm:
Nghỉ ngơi đầy đủ
Trong thời gian này, hạn chế hoạt động nặng và giữ ấm cơ thể, đặc biệt là phần cổ và ngực để tránh làm triệu chứng ho, đau họng thêm trầm trọng.
Uống đủ nước
Đây là một trong những biện pháp quan trọng để duy trì sự cân bằng nước trong cơ thể, đặc biệt là khi cơ thể mất nước do sốt. Nước lọc, nước trái cây hoặc nước canh đều có thể giúp cơ thể hồi phục nhanh chóng.
Bổ sung vitamin
Bạn có thể bổ sung vitamin C có khả năng tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ cơ thể chống lại virus qua thực phẩm như cam, chanh, quýt hoặc các loại viên uống bổ sung.
Sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi và súc miệng
Sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi và súc miệng làm sạch các virus trong khoang miệng và mũi, giúp bạn dễ thở hơn.
Sử dụng thuốc
Bệnh nhân có thể uống thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol hoặc ibuprofen, các loại thuốc giảm ho, thuốc kháng histamin và thuốc cảm. Lưu ý không tự ý dùng thuốc kháng sinh vì cảm cúm do virus gây ra, không phải do vi khuẩn, việc lạm dụng kháng sinh có thể dẫn đến kháng thuốc. Trong trường hợp cần thiết, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và kê đơn thuốc phù hợp.
Khám bác sĩ
Trong trường hợp các triệu chứng cảm cúm không thuyên giảm sau vài ngày tự chăm sóc tại nhàhoặc có dấu hiệu bệnh nặng hơn, người bệnh cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Đặc biệt, với trẻ nhỏ, người cao tuổi và phụ nữ mang thai, việc tự điều trị tại nhà cần được giám sát kỹ lưỡng và không nên tự ý dùng thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Cách phòng ngừa cảm cúm giao mùa
Để phòng ngừa cảm cúm hiệu quả và bảo vệ sức khỏe, việc nắm rõ các biện pháp phòng tránh là điều vô cùng quan trọng.
Tiêm phòng cúm hàng năm
Đây là biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ mắc cúm, đặc biệt trong giai đoạn giao mùa. Việc tiêm vaccine hàng năm giúp cơ thể có khả năng miễn dịch với các chủng virus biến đổi mỗi năm, giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm triệu chứng và tránh các biến chứng nguy hiểm.
Giữ vệ sinh cá nhân
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn trong ít nhất 20 giây, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc chạm vào các bề mặt công cộng. Việc rửa tay đúng cách giúp loại bỏ vi khuẩn và virus có thể gây bệnh, ngăn chặn nguy cơ lây lan.
Tránh tiếp xúc với người bệnh
Cảm cúm lây lan qua đường hô hấp, nên tránh tiếp xúc gần với những người đang có dấu hiệu mắc bệnh như ho, hắt hơihoặc sổ mũi. Nếu phải tiếp xúc, hãy đeo khẩu trang để giảm nguy cơ lây nhiễm. Những người đã bị cảm cúm cần nghỉ ngơi tại nhà và tránh đến những nơi đông người để tránh lây lan virus cho cộng đồng.
Giữ ấm cơ thể trong thời điểm giao mùa
Khi thời tiết thay đổi thất thường, cơ thể dễ bị nhiễm lạnh, làm suy giảm sức đề kháng và tạo điều kiện cho virus cúm phát triển. Do đó, cần chú ý giữ ấm cơ thể, đặc biệt là các vùng quan trọng như cổ, ngực và chân. Hãy mặc quần áo ấm, sử dụng khăn choàng, áo khoác khi ra ngoài vào sáng sớm và buổi tối khi nhiệt độ thường xuống thấp.
Tăng cường sức đề kháng
Bên cạnh việc giữ ấm, việc tăng cường sức đề kháng cho cơ thể cũng rất quan trọng. Bạn nên ăn uống đầy đủ dưỡng chất, bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất từ trái cây và rau xanh, đặc biệt là vitamin C, để tăng khả năng miễn dịch. Hãy uống đủ nước hàng ngày và có lối sống lành mạnh, bao gồm tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc và tránh căng thẳng để cơ thể luôn trong tình trạng khỏe mạnh.
Vệ sinh môi trường sống
Không chỉ cơ thể cá nhân mà môi trường sống cũng cần được làm sạch thường xuyên. Hãy thường xuyên lau chùi và khử trùng các bề mặt thường xuyên tiếp xúc như tay nắm cửa, bàn làm việc và điện thoại. Viêc giữ không gian thông thoáng, mở cửa sổ để không khí lưu thông và tránh ẩm mốc sẽ tạo môi trường sạch sẽ, hạn chế sự lây lan của virus và vi khuẩn.
Cảm cúm giao mùa là vấn đề sức khỏe thường gặp nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh nếu chúng ta chú ý chăm sóc sức khỏe đúng cách. Việc giữ ấm cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch qua chế độ ăn uống lành mạnh và nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp bạn bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ mắc bệnh. Đặc biệt, hãy giữ thói quen vệ sinh cá nhân tốt và tránh tiếp xúc với nguồn bệnh để hạn chế lây lan virus cảm cúm. Việc chủ động phòng ngừa sẽ giúp bạn duy trì sức khỏe tốt trong suốt mùa giao mùa.
Tìm hiểu thêm trên Nền tảng phân phối Dược phẩm trực tuyến tại Việt Nam - Pharmarket.