Tìm kiếm
Tìm kiếm
Chăm sóc cá nhânChăm sóc sắc đẹpThực phẩm chức năngChăm sóc răng miệngHỗ trợ tiêu hóaSức khỏe tim mạchDụng cụ Y tếSinh lý - Nội tiết tốSức khỏe Mẹ & Bé
Quay lại

Nhồi máu cơ tim là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

7.11.2024Bệnh

Kích thước chữ:
Nhồi máu cơ tim là một tình trạng cấp cứu nguy hiểm xảy ra khi máu không thể đến nuôi cơ tim, gây tổn thương nghiêm trọng cho tế bào tim. Vậy những nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị và cách phòng ngừa bệnh suy tim là gì? Hãy cùng Pharmarket tìm hiểu thêm về bệnh nhé!

nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim là gì?

Nhồi máu cơ tim là tình trạng xảy ra khi một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành – các mạch máu cung cấp máu cho cơ tim bị tắc nghẽn đột ngột. Khi đó, một phần cơ tim bị thiếu máu và oxy, dẫn đến tổn thương hoặc hoại tử tế bào tim nếu không được cấp cứu kịp thời. 

Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim chủ yếu do sự tắc nghẽn động mạch vành. Một số nguyên nhân gây tắc nghẽn mạch vành phổ biến gồm:

  • Xơ vữa động mạch: Đây là nguyên nhân chính gây nhồi máu cơ tim. Mảng bám do cholesterol tích tụ trong lòng mạch máu, khiến động mạch bị thu hẹp và cản trở dòng máu.

  • Hình thành cục máu đông: Các mảng xơ vữa có thể bị nứt hoặc vỡ ra, tạo điều kiện cho máu đông lại trong động mạch, gây tắc nghẽn mạch vành và làm gián đoạn lưu thông máu đến cơ tim.

  • Co thắt động mạch vành: Trong một số trường hợp, các mạch vành có thể co thắt đột ngột, làm gián đoạn dòng máu. Điều này thường xảy ra do căng thẳng, tiếp xúc với nhiệt độ lạnh hoặc do sử dụng thuốc kích thích.

  • Rối loạn nhịp tim: Một số dạng rối loạn nhịp tim như rung thất có thể gây gián đoạn dòng máu và dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Triệu chứng của nhồi máu cơ tim

Triệu chứng của nhồi máu cơ tim có thể khác nhau ở từng người nhưng nhìn chung, bệnh thường có những biểu hiện điển hình sau:

  • Đau thắt ngực

  • Khó thở, hụt hơi

  • Ra mồ hôi lạnh

  • Buồn nôn hoặc nôn mửa

  • Chóng mặt và ngất xỉu

  • Mỏi cứng hàm, đau mỏi vai, hai tay

  • Khó chịu ở vùng thượng vị

  • Có cảm giác bồn chồn

  • Tim đập nhanh 

  • Mất nhận thức

  • Tụt huyết áp đột ngột 

  • Da có thể nhợt nhạt, mát và phù nề

  • Khó tiêu

triệu chứng của nhồi máu cơ tim

Đối tượng nguy cơ của bệnh nhồi máu cơ tim

Những nhóm người sau có nguy cơ cao mắc bệnh nhồi máu cơ tim bao gồm:

  • Người lớn tuổi

  • Người có tiền sử bệnh tim mạch

  • Người hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích

  • Người bị tiểu đường

  • Người bị béo phì và ít vận động

  • Người có tiền sử bị tiền sản giật 

  • Người huyết áp cao

  • Người bị căng thẳng quá mức

Các biện pháp điều trị bệnh nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim cần được cấp cứu ngay lập tức. Dưới đây là các phương pháp điều trị phổ biến:

Điều trị bằng thuốc

Một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị và kiểm soát nhồi máu cơ tim bao gồm:

  • Thuốc tan cục máu đông: Giúp làm tan cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch vành, khôi phục dòng máu đến cơ tim như Alteplase (tPA).

  • Thuốc chống đông máu: Các loại thuốc như heparin giúp ngăn chặn sự hình thành cục máu đông trong mạch máu, giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim.

  • Thuốc chẹn beta: Giúp làm giảm nhịp tim và huyết áp, giảm sức ép lên cơ tim và làm chậm tiến triển bệnh như Metoprolol, Atenolol.

  • Thuốc ức chế men chuyển: Enalapril hay Ramipril giúp giãn mạch máu và giảm nguy cơ suy tim.

thuốc điều trị nhồi máu cơ tim

Can thiệp y học

Trong một số trường hợp, các phương pháp can thiệp được thực hiện để khôi phục lưu thông máu trong động mạch vành:

  • Đặt stent mạch vành: Một ống lưới nhỏ gọi là stent được đặt vào động mạch bị tắc để mở rộng và duy trì lưu thông máu.

  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Bác sĩ lấy một đoạn mạch máu từ phần khác của cơ thể để tạo ra một con đường mới cho máu lưu thông qua vùng mạch vành bị tắc nghẽn.

Phục hồi chức năng tim mạch

Sau khi xuất viện, bệnh nhân cần tham gia vào chương trình phục hồi chức năng tim mạch bao gồm tập luyện và hướng dẫn lối sống lành mạnh. Phục hồi chức năng giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ tái phát.

Cách sơ cứu nhanh cho người bệnh nhồi máu cơ tim

Dưới đây là một số nguyên tắc cơ bản khi sơ cứu người bệnh nhồi máu cơ tim như sau:

  • Để bệnh nhân ngồi hoặc nằm, nới lỏng thắt lưng, quần áo, cà vạt để giúp máu lưu thông dễ dàng.

  • Nhanh chóng gọi 115 hoặc số điện thoại khẩn cấp của bệnh viện gần nhất, hoặc nhờ người xung quanh hỗ trợ đưa bệnh nhân đến bệnh viện.

  • Trong thời gian chờ cấp cứu, cho bệnh nhân nhai và nuốt một viên aspirin, giúp ngừa tình trạng đông máu, giảm nguy cơ tổn thương tim. Không cho bệnh nhân dùng aspirin nếu người bệnh bị dị ứng với thuốc.

  • Thực hiện ép tim ngoài lồng ngực càng sớm càng tốt nếu bệnh nhân mất ý thức, ngưng thở hoặc ngưng tim.

sơ cứu nhồi máu cơ tim

Phương pháp phòng ngừa bệnh nhồi máu cơ tim

Phòng ngừa nhồi máu cơ tim là việc làm quan trọng và cần thiết để bảo vệ sức khỏe tim mạch. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả:

  • Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh

  • Tập thể dục thường xuyên

  • Kiểm soát cân nặng

  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ

  • Tránh căng thẳng và làm việc quá sức

  • Ngừng hút thuốc lá và hạn chế rượu bia

Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa bằng cách thay đổi lối sống, kiểm soát các yếu tố nguy cơ và theo dõi sức khỏe định kỳ. Bên cạnh đó, để bảo vệ sức khỏe tim mạch, cần nắm rõ nguyên nhân, triệu chứng và các biện pháp điều trị nhồi máu cơ tim để có thể giảm thiểu nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm này.

Tìm hiểu thêm trên Nền tảng phân phối Dược phẩm trực tuyến tại Việt Nam - Pharmarket.