Béo phì là gì? Nguy cơ, biến chứng và cách điều trị
Béo phì là gì?
Béo phì là tình trạng cơ thể tích lũy quá nhiều mỡ dẫn đến trọng lượng vượt quá mức bình thường. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người trưởng thành được coi là béo phì khi chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn hơn hoặc bằng 30.
Nguyên nhân gây bệnh béo phì
Béo phì là một vấn đề sức khỏe phức tạp gây ra bởi sự kết hợp của nhiều nguyên nhân, yếu tố khác nhau:
Yếu tố di truyền
Béo phì có thể do yếu tố di truyền, nghĩa là khi trong gia đình có người béo phì, khả năng những người còn lại cũng dễ mắc bệnh cao hơn. Tuy nhiên, di truyền chỉ đóng vai trò một phần, không hoàn toàn quyết định béo phì.
Thói quen ăn uống
Chế độ ăn giàu chất béo, đường và calo là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng béo phì. Ví dụ, ăn nhiều thức ăn nhanh, đồ ăn chứa nhiều đường, ít rau xanh và trái cây khiến cơ thể tích lũy nhiều mỡ thừa.
Lối sống ít vận động
Thiếu vận động một trong những yếu tố chính góp phần tích tụ mỡ. Những người có lối sống ít vận động như ngồi lâu trước máy tính, xem TV nhiều giờ liền dễ bị béo phì do không tiêu thụ được năng lượng nạp vào cơ thể.
Các yếu tố tâm lý
Căng thẳng, lo lắng hoặc các vấn đề tâm lý khác có thể dẫn đến việc ăn uống không kiểm soát và gây béo phì. Trường hợp điển hình như có những người có xu hướng ăn nhiều khi buồn phiền, căng thẳng hoặc lo lắng dẫn đến việc tiêu thụ quá nhiều calo.
Các yếu tố khác
Một số nguyên nhân khác bao gồm: rối loạn nội tiết tố, tác dụng phụ của thuốc, mất ngủ thường xuyên…Những yếu tố này có thể gây mất cân bằng chuyển hóa và làm tăng nguy cơ béo phì.
Tuy nhiên, nhìn chung, béo phì vẫn là bệnh lý đa nguyên nhân, chúng là sự tương tác phức tạp giữa nhiều yếu tố gen, yếu tố môi trường, hành vi và lối sống của cá nhân.
Đối tượng nguy cơ mắc bệnh béo phì
Béo phì có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng, tuy nhiên, một số nhóm người có nguy cơ cao hơn, bao gồm:
-
Người thường xuyên ăn nhiều thức ăn giàu calo như đồ chiên xào, thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều đường, rượu bia, nội tạng động vật,...
-
Người có lối sống ít vận động, tần suất hoạt động thể lực thấp.
-
Phụ nữ sau sinh, đặc biệt là trường hợp không nuôi con bằng sữa mẹ.
-
Trẻ em sinh ra trong gia đình có người béo phì.
-
Nhóm người mắc bệnh về rối loạn nội tiết.
Biến chứng của bệnh béo phì
Thừa cân hay béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề về cảm xúc cũng như mắc các vấn đề sức khỏe bao gồm:
Bệnh tim mạch
Người béo phì có nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch, đặc biệt là huyết áp cao, xơ vữa động mạch và bệnh động mạch vành. Đây là những bệnh có thể gây tử vong nếu không được kiểm soát kịp thời.
Tiểu đường loại 2
Béo phì là yếu tố nguy cơ chính của bệnh tiểu đường loại 2 bởi sự dư thừa mỡ trong cơ thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của insulin, dẫn đến tình trạng kháng insulin.
Các vấn đề về hô hấp
Béo phì có thể dẫn đến các vấn đề hô hấp như ngưng thở khi ngủ, giảm chức năng phổi và các bệnh hô hấp khác. Tình trạng này thường làm giảm chất lượng giấc ngủ và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Các bệnh về xương khớp
Người béo phì dễ mắc các bệnh về xương khớp do trọng lượng cơ thể lớn gây áp lực lên các khớp, đặc biệt là khớp gối, cột sống và khớp háng.
Các vấn đề về tâm lý
Ngoài các biến chứng về thể chất, béo phì còn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý. Người mắc béo phì dễ bị căng thẳng, lo lắng, tự ti và gặp khó khăn trong việc hòa nhập xã hội.
Cách điều trị bệnh béo phì
Điều trị béo phì không chỉ là giảm cân mà còn là cải thiện sức khỏe tổng thể. Các phương pháp điều trị bao gồm:
-
Thay đổi chế độ ăn uống, giảm ăn các thực phẩm không lành mạnh
-
Tăng cường vận động, tập luyện thể dục
-
Sử dụng thuốc giảm cân (theo chỉ định của bác sĩ)
-
Phẫu thuật giảm cân
Biện pháp phòng ngừa bệnh béo phì
Phòng ngừa béo phì là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe lâu dài. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả:
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống cân đối, đầy đủ dưỡng chất giúp duy trì cân nặng hợp lý và ngăn ngừa tích tụ mỡ thừa. Bạn có thể nhận hỗ trợ tâm lý từ một chuyên gia y tế về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe hoặc bác sĩ chuyên môn sẽ giúp bạn thay đổi cách nghĩ về thực phẩm và cách ăn uống.
Tăng cường vận động
Duy trì lối sống năng động, tăng cường các hoạt động thể chất là cách phòng ngừa béo phì hiệu quả. Bạn chỉ cần duy trì những thói quen vận động đơn giản hàng ngày như đi bộ, chạy bộ, tập thể dục nhẹ nhàng.
Kiểm soát căng thẳng
Giảm căng thẳng là một cách giúp kiểm soát cân nặng. Việc duy trì tâm lý thoải mái, tích cực và tránh ăn uống quá mức khi căng thẳng sẽ giúp ngăn ngừa béo phì.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề có thể gây béo phì, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.
Béo phì không chỉ là vấn đề về thẩm mỹ mà còn là nguyên nhân gây nhiều bệnh lý nguy hiểm. Để điều trị và phòng ngừa béo phì hiệu quả, cần duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống cân đối và vận động thường xuyên. Hãy quan tâm đến sức khỏe bản thân và áp dụng các biện pháp phòng ngừa cần thiết để tránh tình trạng béo phì.
Tìm hiểu thêm trên Nền tảng phân phối Dược phẩm trực tuyến tại Việt Nam - Pharmarket.