Tìm kiếm
Tìm kiếm
Chăm sóc cá nhânChăm sóc sắc đẹpThực phẩm chức năngChăm sóc răng miệngHỗ trợ tiêu hóaSức khỏe tim mạchDụng cụ Y tếSinh lý - Nội tiết tốSức khỏe Mẹ & Bé
Quay lại

Loãng xương là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

18.11.2024Bệnh

Kích thước chữ:
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), loãng xương là một trong những bệnh hàng đầu ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng với tỷ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng. Vậy những nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa loãng xương là gì? Hãy cùng Pharmarket tìm hiểu thêm về bệnh nhé!

loãng xương

Loãng xương là gì?

Loãng xương là một bệnh lý xương khớp mãn tính, đặc trưng bởi sự giảm mật độ xương và suy yếu cấu trúc xương khiến xương trở nên giòn và dễ gãy. Đây là một vấn đề sức khỏe phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi, phụ nữ sau mãn kinh hoặc những người có lối sống không lành mạnh.

Thường gặp là gãy xương cột sống, xương đùi và xương cẳng tay. Một số xương khi bị gãy sẽ không có khả năng lành lại như xương cột sống và xương đùi. Các trường hợp này thường phải điều trị phẫu thuật với chi phí tốn kém. 

Nguyên nhân gây nên bệnh loãng xương

Các nguyên nhân gây loãng xương có thể bao gồm một loạt các yếu tố, từ sinh lý, lối sống đến chế độ ăn uống. Những nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Tuổi già 

  • Tác động của bệnh lý tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, bệnh nội tiết, bệnh thận và hội chứng Cushing hoặc các thuốc corticosteroid dài hạn

  • Phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh gây suy giảm nồng độ estrogen và nam giới có nồng độ testosterone thấp

  • Chế độ ăn uống không khoa học, thiếu dưỡng chất, đặc biệt là những chất có lợi cho xương khớp như canxi, vitamin D, omega-3,...

  • Lối sống lười vận động, không luyện tập thể dục thể thao, mức độ hoạt động thấp, ngồi nhiều… 

  • Những chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá

  • Người lao động nặng, phải thường xuyên khuân vác vật nặng

  • Những phụ nữ gầy và nhỏ người thường có nguy cơ cao hơn

  • Nguy cơ tăng lên nếu có người thân trong gia đình bị loãng xương hoặc bản thân đã từng gãy xương

nguyên nhân loãng xương

Triệu chứng của bệnh loãng xương

Loãng xương thường được gọi là "kẻ trộm thầm lặng" vì nó không có triệu chứng rõ rệt trong giai đoạn đầu. Khi bệnh tiến triển, các dấu hiệu sau có thể xuất hiện:

  • Giảm mật độ xương: Xương cột sống trở nên yếu và dễ bị xẹp hoặc gãy lún, dẫn đến các cơn đau lưng dữ dội. Người bệnh có thể bị giảm chiều cao rõ rệt, dáng đi trở nên lom khom hoặc xuất hiện tình trạng gù lưng.

  • Đau nhức đầu xương: Thường đau mỏi dọc theo các xương dài. Cơn đau có thể lan rộng khắp cơ thể, mang tính chất nhức nhối, đôi khi như cảm giác bị kim châm.

  • Đau tại các vùng xương chịu trọng lực lớn: Các vùng như cột sống, thắt lưng, xương chậu, xương hông và đầu gối thường bị ảnh hưởng nặng nề do chịu áp lực từ trọng lượng cơ thể.

  • Ảnh hưởng đến vùng cột sống và dây thần kinh: Đau nhức xương khớp tại vùng thắt lưng, hai bên liên sườn hoặc cột sống có thể làm tổn thương các dây thần kinh liên sườn, thần kinh tọa và thần kinh đùi.

Phương pháp chẩn đoán bệnh loãng xương

Để chẩn đoán chính xác bệnh loãng xương, bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp kiểm tra chuyên sâu. Mỗi phương pháp đều đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tình trạng và mức độ tổn thương xương.

Đo mật độ xương (DEXA scan)

Đây là phương pháp phổ biến và chính xác nhất để đánh giá mức độ loãng xương, sử dụng tia X năng lượng kép để đo mật độ khoáng chất trong xương. DEXA thường được thực hiện ở cột sống, hông hoặc cổ tay – những vị trí dễ bị tổn thương nhất. Kết quả đo sẽ xác định nguy cơ gãy xương và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Xét nghiệm máu và nước tiểu

Các xét nghiệm máu giúp kiểm tra nồng độ canxi, vitamin D, phosphatase kiềm và các chỉ số chuyển hóa xương, qua đó đánh giá hoạt động tái tạo và hủy xương. Xét nghiệm nước tiểu cũng quan trọng để phát hiện các sản phẩm thoái hóa xương để nhận biết mức độ loãng xương tiềm ẩn. Đây là bước hỗ trợ quan trọng trong việc loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự loãng xương.

xét nghiệm máu

Chụp X-quang

Chụp X-quang có thể phát hiện các dấu hiệu bất thường như xẹp, gãy lún đốt sống hoặc mất cấu trúc xương ở các vùng bị ảnh hưởng. Phương pháp này thường được sử dụng để kiểm tra các biến chứng của loãng xương đặc biệt khi bệnh nhân đã gặp phải gãy xương. Tuy nhiên, X-quang không đủ nhạy để phát hiện loãng xương ở giai đoạn sớm và thường được kết hợp với các phương pháp khác để đánh giá toàn diện.

Việc sử dụng kết hợp các phương pháp trên giúp đảm bảo chẩn đoán chính xác từ đó hỗ trợ điều trị hiệu quả và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của loãng xương.

Cách điều trị bệnh loãng xương

Các phương pháp điều trị loãng xương dưới đây giúp bảo vệ khối lượng xương, ngăn ngừa gãy xương, giảm đau và duy trì chức năng xương:

Dùng thuốc điều trị

Bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc sau:

  • Bisphosphonates: làm giảm mất xương và tăng mật độ xương.

  • Hormon thay thế (HRT): dành cho phụ nữ sau mãn kinh để bổ sung estrogen

  • Estrogen: duy trì mật độ xương và ngăn ngừa gãy xương, đặc biệt hiệu quả khi bắt đầu sớm sau mãn kinh

  • Calcitonin: được sử dụng khi không thể dùng các loại thuốc khác, giúp giảm hủy xương

  • Raloxifene: một lựa chọn cho phụ nữ không thể dùng bisphosphonate

Thay đổi chế độ sinh hoạt

  • Các bài tập như đi bộ, yoga, nâng tạ nhẹ giúp cải thiện sức mạnh cơ bắp và duy trì mật độ xương

  • Tăng cường thực phẩm giàu canxi như sữa, hải sản, rau lá xanh và bổ sung vitamin D 

  • Bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia

  • Duy trì cân nặng hợp lý để giảm áp lực lên xương

thuốc điều trị loãng xương

Phương pháp phòng ngừa bệnh loãng xương

Phòng bệnh luôn là ưu tiên hàng đầu để duy trì sức khỏe xương khớp:

  • Người lớn cần bổ sung 1.000-1.200 mg canxi/ngày và 600-800 IU vitamin D/ngày

  • Sử dụng thực phẩm chức năng khi cần thiết

  • Thường xuyên tập thể dục mỗi ngày với cường độ phù hợp

  • Đặc biệt là phụ nữ trên 50 tuổi và nam giới trên 70 tuổi nên đo mật độ xương thường xuyên

  • Hạn chế đồ uống có cồn, không hút thuốc lá

  • Ăn uống lành mạnh, tránh thừa cân hoặc béo phì

  • Tránh lạm dụng thuốc giảm đau, chống viêm xương khớp, đặc biệt là corticoid

  • Thận trọng khi sinh hoạt và làm việc, tránh xảy ra các tai nạn đáng tiếc

Loãng xương là một bệnh lý nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa và kiểm soát nếu bạn chủ động bảo vệ sức khỏe xương khớp. Hãy thực hiện lối sống lành mạnh, duy trì chế độ ăn uống cân đối, vận động thường xuyên và kiểm tra sức khỏe định kỳ để giữ cho xương luôn chắc khỏe.

Tìm hiểu thêm trên Nền tảng phân phối Dược phẩm trực tuyến tại Việt Nam - Pharmarket.