Ung thư phổi là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Ung thư phổi là gì?
Ung thư phổi là một bệnh lý ác tính trong đó các tế bào bất thường trong phổi nhân lên một cách mất kiểm soát, chúng có thể tạo thành các khối u ác tính và lan rộng sang các bộ phận khác của cơ thể dẫn đến hình thành một hay nhiều các khối ung thư.
Quá trình này bắt đầu từ phổi, nơi bao gồm khí quản, phế quản gốc, các phế quản, tiểu phế quản... nhỏ hơn trong nhu mô phổi đến tận phế nang, nơi trao đổi oxy và CO2.
Có hai loại chính của ung thư phổi:
-
Ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC): Đây là loại phổ biến nhất, chiếm khoảng 85% các trường hợp ung thư phổi. Nó bao gồm ba dạng chính: ung thư biểu mô tuyến, ung thư tế bào vảy và ung thư tế bào lớn
-
Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC): Chiếm khoảng 15% các trường hợp, loại này thường phát triển nhanh và có xu hướng lan rộng sớm, chủ yếu do ảnh hưởng của việc hút thuốc
Nguyên nhân ung thư phổi
Những nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi.
-
Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh ung thư phổi chiếm khoảng 85%. Khói thuốc chứa nhiều hóa chất độc hại có khả năng gây đột biến DNA, dẫn đến sự phát triển không kiểm soát của các tế bào phổi
-
Hít phải khói thuốc lá thụ động theo nghiên cứu hít phải khói thuốc lá trong một thời gian dài có thể dẫn đến ung thư phổi
-
Tiếp xúc với các chất độc hại như amiăng, radon, asen và khí thải công nghiệp là các tác nhân gây ung thư khi tiếp xúc trong thời gian dài
-
Tiền sử gia đình có người thân mắc ung thư phổi có nguy cơ cao hơn, điều này có thể liên quan đến cả yếu tố di truyền và môi trường
-
Tiếp xúc phóng xạ đặc biệt ở những nơi có hàm lượng radon cao, cũng là một yếu tố nguy cơ
Triệu chứng ung thư phổi
Ung thư phổi giai đoạn sớm
-
Ho dai dẳng nhẹ
-
Khó thở nhẹ
-
Đau ngực nhẹ
-
Mệt mỏi và suy nhược
Những triệu chứng này thường dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp thông thường như cảm lạnh hoặc viêm phế quản.
Ung thư phổi giai đoạn muộn
Khi bệnh tiến triển đến giai đoạn muộn, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng và dễ nhận biết hơn. Lúc này, ung thư đã có thể lan rộng ra các bộ phận khác của cơ thể (di căn), gây ra nhiều vấn đề phức tạp.
-
Ho ra máu
-
Đau ngực dữ dội
-
Khó thở và hụt hơi
-
Khàn giọng
-
Sụt cân nhanh và chán ăn
-
Sưng ở mặt và cổ
-
Đau xương
-
Đau đầu, chóng mặt
Phương pháp điều trị ung thư phổi
Những phương pháp điều trị bệnh ung thư phổi:
Phẫu thuật
Phẫu thuật thường áp dụng cho ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) ở giai đoạn sớm, khi khối u chưa lan rộng. Mục đích là loại bỏ hoàn toàn khối u và phần mô phổi bị ảnh hưởng.
Hóa trị
Hóa trị sử dụng các loại thuốc chống ung thư để tiêu diệt tế bào ung thư trong toàn cơ thể. Hóa trị được dùng trong các giai đoạn muộn của cả NSCLC và ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) và có thể được áp dụng trước hoặc sau phẫu thuật (hóa trị bổ trợ) hoặc kết hợp với xạ trị.
Xạ trị
Xạ trị sử dụng tia phóng xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp này có thể dùng độc lập hoặc kết hợp với phẫu thuật và hóa trị. Xạ trị thường được dùng khi bệnh nhân không đủ sức khỏe để phẫu thuật, trong giai đoạn tiến triển của ung thư phổi.
Liệu pháp nhắm trúng đích và miễn dịch
Liệu pháp nhắm trúng đích áp dụng cho những bệnh nhân có các đột biến gen đặc hiệu (như EGFR, ALK) trong tế bào ung thư. Thuốc nhắm trúng đích như erlotinib, osimertinib, và alectinib giúp ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư với ít tác dụng phụ hơn so với hóa trị.
Liệu pháp miễn dịch sử dụng các thuốc như pembrolizumab hoặc nivolumab để kích thích hệ miễn dịch tấn công các tế bào ung thư. Phương pháp này thường được áp dụng cho NSCLC giai đoạn muộn và đã chứng minh hiệu quả trong việc cải thiện thời gian sống.
Cách phòng ngừa ung thư phổi
Để phòng ngừa bệnh một cách hiệu quả người bệnh, hay người có nguy cơ bị bệnh… cần có những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư phổi.
-
Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị
-
Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng
-
Bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt
-
Thường xuyên tập thể dục
-
Không tiếp xúc với môi trường chứa các chất độc, phóng xạ
-
Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những dấu hiệu, triệu chứng bất thường trong quá trình điều trị
-
Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và lựa chọn hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm
-
Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.
Ung thư phổi là một căn bệnh nguy hiểm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Việc nhận biết sớm, chẩn đoán và điều trị kịp thời là yếu tố quyết định để cải thiện tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa, cũng như các biện pháp ung thư phổi không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về căn bệnh này. Điều quan trọng là mỗi chúng ta cần duy trì lối sống lành mạnh, thường xuyên kiểm tra sức khỏe để bảo vệ bản thân và những người thân yêu.
Tìm hiểu thêm trên Nền tảng phân phối Dược phẩm trực tuyến tại Việt Nam - Pharmarket.