Tìm kiếm
Tìm kiếm
Chăm sóc cá nhânChăm sóc sắc đẹpThực phẩm chức năngChăm sóc răng miệngHỗ trợ tiêu hóaSức khỏe tim mạchDụng cụ Y tếSinh lý - Nội tiết tốSức khỏe Mẹ & Bé
Quay lại

Ung thư máu là gì? Triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và phòng ngừa

13.11.2024Bệnh

Kích thước chữ:
Ung thư máu là một trong những căn bệnh ung thư nguy hiểm gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản sinh và hoạt động của các tế bào máu trong cơ thể. Vậy những nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa ung thư máu là gì? Hãy cùng Pharmarket tìm hiểu thêm về bệnh nhé!

ung thư máu

Ung thư máu là gì?

Ung thư máu là một nhóm bệnh ung thư ảnh hưởng đến các tế bào máu, bao gồm bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu. Căn bệnh này xuất phát từ tủy xương – nơi sản xuất tế bào máu, khi các tế bào bất thường (tế bào ung thư) phát triển không kiểm soát, làm mất cân bằng và ức chế quá trình sinh ra các tế bào máu bình thường. 

Có ba loại ung thư máu chính: bệnh bạch cầu, ung thư hạch bạch huyết và đa u tủy xương.

Nguyên nhân gây nên bệnh ung thư máu

Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ung thư máu chưa được xác định rõ ràng nhưng các yếu tố nguy cơ sau đây có thể góp phần:

  • Di truyền và đột biến gen bẩm sinh hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư máu

  • Tiếp xúc lâu dài với hóa chất như benzen hoặc phóng xạ có thể tăng nguy cơ ung thư máu

  • Nhiễm một số virus Epstein-Barr và virus HTLV-1

  • Tiếp xúc với khói thuốc, ô nhiễm môi trường và chất độc trong thực phẩm 

  • Những người có hệ miễn dịch suy yếu hoặc mắc bệnh miễn dịch tự động có nguy cơ cao hơn mắc ung thư máu

  • Bệnh nhân ung thư điều trị bằng hóa xạ trị, thuốc

  • Người từ 50 tuổi trở lên

  • Đàn ông có nguy cơ mắc ung thư máu cao hơn phụ nữ

  • Một số bệnh lý mạn tính như tiểu đường, viêm gan, xơ gan cũng góp phần làm tăng nguy cơ gây ra ung thư máu

nguyên nhân bệnh ung thư máu

Triệu chứng của bệnh ung thư máu

Các triệu chứng ung thư máu thường không rõ ràng và có thể dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Một số dấu hiệu phổ biến bao gồm:

  • Sốt, ớn lạnh và nhiễm trùng thường xuyên

  • Sụt cân không rõ nguyên nhân

  • Đau xương và khớp

  • Dễ bầm tím và chảy máu

  • Hạch bạch huyết sưng to

  • Mệt mỏi, lưu thông máu kém

  • Da nhợt nhạt, yếu đuối và khó thở

  • Nhiễm trùng lặp đi lặp lại 

  • Lợi sưng và đau

  • Phát ban da

  • Đau đầu

  • Vấn đề về thị lực

  • Nôn mửa

  • Đau ngực

triệu chứng bệnh ung thư máu

Phương pháp chẩn đoán bệnh ung thư máu

Để chẩn đoán ung thư máu, các bác sĩ thường áp dụng các phương pháp chẩn đoán sau:

Xét nghiệm máu tổng quát

Xét nghiệm máu tổng quát là bước đầu tiên và quan trọng trong chẩn đoán ung thư máu để xác định số lượng và tỷ lệ các loại tế bào máu như bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu. Nếu số lượng các tế bào này bất thường như bạch cầu tăng đột biến hoặc hồng cầu giảm thì có thể là dấu hiệu của ung thư máu. Dựa trên kết quả, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm chuyên sâu để làm rõ tình trạng bệnh.

Sinh thiết tủy xương

Sinh thiết tủy xương là phương pháp lấy mẫu mô từ tủy xương (thường là ở xương chậu) để kiểm tra sự hiện diện của các tế bào ung thư. Mẫu tủy này sẽ được phân tích dưới kính hiển vi để xác định loại ung thư máu và mức độ xâm lấn của nó. Đây là phương pháp có độ chính xác cao, giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán rõ ràng và định hướng điều trị hiệu quả.

Xét nghiệm di truyền và sinh học phân tử

Xét nghiệm di truyền và sinh học phân tử nhằm phát hiện các đột biến gen hoặc các thay đổi DNA liên quan đến ung thư máu. Phương pháp này đặc biệt quan trọng trong việc xác định các loại ung thư máu cụ thể như bệnh bạch cầu cấp dòng lympho hoặc tủy. Ngoài ra, kết quả của xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ chọn phương pháp điều trị nhắm đích phù hợp, từ đó tăng hiệu quả điều trị.

Chụp CT hoặc MRI

Chụp CT (cắt lớp vi tính) và MRI (cộng hưởng từ) được sử dụng để kiểm tra tình trạng lan rộng của ung thư máu trong cơ thể đặc biệt là đối với ung thư hạch bạch huyết. Các hình ảnh chi tiết từ CT hoặc MRI giúp bác sĩ quan sát các cơ quan và mô xung quanh để xác định xem ung thư đã di căn hay chưa. Đây cũng là công cụ quan trọng để lập kế hoạch điều trị và theo dõi tiến triển của bệnh.

chụp ct

Chọc dịch não tủy

Chọc dịch não tủy là phương pháp rút một lượng nhỏ dịch não tủy từ cột sống để kiểm tra xem tế bào ung thư đã lan tới hệ thần kinh trung ương hay chưa. Phương pháp này thường được chỉ định khi có dấu hiệu ung thư máu ở các giai đoạn tiến triển đặc biệt khi bệnh nhân có triệu chứng liên quan đến hệ thần kinh như đau đầu, buồn nôn hoặc rối loạn thần kinh. Kết quả chọc dịch não tủy giúp đánh giá mức độ di căn và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp hơn.

Với việc chẩn đoán sớm và chính xác, ung thư máu có thể được kiểm soát và điều trị hiệu quả hơn, giúp tăng cơ hội sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. 

Phương pháp điều trị bệnh ung thư máu

Phương pháp điều trị ung thư máu phụ thuộc vào loại ung thư, giai đoạn bệnh và sức khỏe của bệnh nhân. Các phương pháp điều trị chính bao gồm:

  • Hóa trị: Sử dụng thuốc hóa trị để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chặn sự phát triển của chúng. Hóa trị có thể được dùng theo đợt và kết hợp sử dụng nhiều loại thuốc để tăng hiệu quả.

  • Xạ trị: Sử dụng tia bức xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị thường được áp dụng ở vùng có nhiều tế bào ung thư tập trung, chẳng hạn như tủy xương hoặc các hạch bạch huyết.

  • Cấy ghép tủy xương: Phương pháp này thay thế tủy xương bị ung thư bằng tủy xương khỏe mạnh từ người hiến tặng hoặc từ chính bệnh nhân (cấy ghép tự thân). Cấy ghép tủy xương giúp khôi phục khả năng sản sinh các tế bào máu bình thường.

  • Liệu pháp miễn dịch: Giúp tăng cường hệ miễn dịch để tự nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư. Các loại thuốc miễn dịch ngày càng được nghiên cứu và phát triển nhằm tăng hiệu quả điều trị.

  • Liệu pháp nhắm đích: Sử dụng các thuốc đặc biệt nhắm vào các gen hoặc protein bất thường trong tế bào ung thư, giúp giảm thiểu tác dụng phụ và tăng hiệu quả điều trị.

Cách phòng ngừa bệnh ung thư máu

Mặc dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn ung thư máu, một số biện pháp sau có thể giúp giảm nguy cơ:

  • Tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại và phóng xạ. Trong trường hợp bất khả kháng, cố gắng giảm thiểu thời gian tiếp xúc và mang đồ bảo hộ (găng tay, khẩu trang,...)

  • Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh

  • Tập thể dục đều đặn

  • Khám sức khỏe định kỳ

  • Kiểm tra và điều trị sớm các bệnh lý miễn dịch

  • Không hút thuốc lá

  • Bổ sung đầy đủ các loại khoáng chất và vitamin, đặc biệt là vitamin C

chế độ dinh dưỡng

Ung thư máu là căn bệnh nguy hiểm nhưng với sự tiến bộ của y học hiện nay, bệnh nhân có cơ hội điều trị và kéo dài tuổi thọ nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này và biết cách phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Tìm hiểu thêm trên Nền tảng phân phối Dược phẩm trực tuyến tại Việt Nam - Pharmarket.