Tìm kiếm
Tìm kiếm
Chăm sóc cá nhânChăm sóc sắc đẹpThực phẩm chức năngChăm sóc răng miệngHỗ trợ tiêu hóaSức khỏe tim mạchDụng cụ Y tếSinh lý - Nội tiết tốSức khỏe Mẹ & Bé
Quay lại

Ánh sáng xanh! Nguồn gốc, tác động và cách hạn chế tác hại của ánh sáng xanh

11.10.2024Sức khỏe gia đình

Kích thước chữ:
Ánh sáng xanh đang trở thành mối quan tâm lớn trong thời đại công nghệ khi con người tiếp xúc nhiều hơn với các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, và màn hình LED. Tuy ánh sáng xanh có nhiều tác động tích cực, nhưng nó cũng có thể gây hại cho sức khỏe nếu tiếp xúc quá nhiều.

ánh sáng xanh

Ánh sáng xanh là gì?

Ánh sáng xanh là một phần của quang phổ ánh sáng tự nhiên mà mắt người có thể nhìn thấy, với bước sóng nằm trong khoảng 380-495 nanomet (nm).

Ánh sáng xanh được chia thành hai loại chính: Ánh sáng xanh tím với bước sóng từ 380nm đến 450nm và ánh sáng xanh lam với bước sóng từ 450nm đến 495nm.

ánh sáng xanh

Nguồn gốc của ánh sáng xanh

Ánh sáng xanh không chỉ xuất hiện từ các thiết bị công nghệ mà còn có trong ánh sáng tự nhiên, đặc biệt là ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, việc tiếp xúc với ánh sáng xanh từ các nguồn nhân tạo như máy tính, điện thoại, đèn LED trở thành vấn đề đáng lo ngại do thời gian tiếp xúc kéo dài. Các nguồn phát ánh sáng xanh phổ biến gồm:

  • Màn hình điện tử: máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng và TV đều phát ra lượng lớn ánh sáng xanh.

  • Đèn LED và huỳnh quang: các loại đèn chiếu sáng hiện đại sử dụng công nghệ LED hoặc huỳnh quang cũng phát ra ánh sáng xanh.

  • Ánh sáng mặt trời: đây là nguồn ánh sáng xanh tự nhiên lớn nhất mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày.

Tác dụng của ánh sáng xanh đến cơ thể

Giúp điều hòa nhịp sinh học

Ánh sáng xanh từ mặt trời có vai trò quan trọng trong việc điều hòa nhịp sinh học, giúp cơ thể phân biệt được giữa ngày và đêm. Tiếp xúc với ánh sáng xanh vào ban ngày giúp duy trì sự tỉnh táo, năng lượng và tinh thần sảng khoái.

Cải thiện tâm trạng và sức khỏe tinh thần

Việc tiếp xúc với ánh sáng xanh tự nhiên cũng có tác dụng cải thiện tâm trạng và giảm nguy cơ trầm cảm, đặc biệt là trong các ngày mùa đông khi ánh sáng tự nhiên ít hơn.

Tăng sự tập trung

Khi tiếp xúc với ánh sáng xanh, đặc biệt từ ánh sáng tự nhiên hoặc từ các thiết bị điện tử vào ban ngày, cơ thể sẽ trở nên tập trung hơn, giúp bạn duy trì hiệu suất làm việc và học tập tốt hơn

Tác hại của ánh sáng xanh đến cơ thể

tác hại ánh sáng xanh

Gây mỏi mắt và khô mắt

Tiếp xúc lâu với màn hình điện tử phát ra ánh sáng xanh có thể gây mỏi mắt, khô mắt, gây nên tình trạng đau đầu.

Gây đục thuỷ tinh thể

Cơ chế của thủy tinh thể là hấp thụ ánh sáng xanh để bảo vệ võng mạc. Tuy nhiên, sự hấp thụ trong thời gian dài có thể góp phần vào sự lão hóa và dẫn đến đục thủy tinh thể.

Tăng nguy cơ thoái hoá điểm vàng

Tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng xanh từ các màn hình thiết bị điện tử có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa điểm vàng và đây là một tình trạng có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.

Rối loạn giấc ngủ

Ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử vào ban đêm ức chế sản xuất melatonin – hormone giúp cơ thể dễ dàng chìm vào giấc ngủ. điều này làm rối loạn nhịp sinh học, gây mất ngủ hoặc khó ngủ.

Gây hại cho làn da

Tiếp xúc với ánh sáng xanh thường xuyên và liên tục làm tăng sản xuất các gốc tự do đồng thời gây ra các phản ứng oxy hóa, phá vỡ các sợi collagen và elastin khiến da lão hoá sớm.

Tác động tiêu cực đến tinh thần

Việc sử dụng các thiết bị điện tử vào ban đêm, khi ánh sáng xanh làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng, lo lắng, và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.

Giải pháp giảm tác động có hại của ánh sáng xanh

hạn chế ánh sáng xanh

Sử dụng kính lọc ánh sáng xanh

Sử dụng các loại kính chống ánh sáng xanh có thể giúp giảm lượng ánh sáng xanh đi vào mắt, đặc biệt hữu ích cho những người phải làm việc nhiều trên máy tính hoặc sử dụng điện thoại trong thời gian dài.

Cài đặt bộ lọc ánh sáng xanh trên thiết bị điện tử

Hầu hết các thiết bị điện tử hiện nay đều có chế độ ban đêm hoặc bộ lọc ánh sáng xanh. kích hoạt chế độ này sẽ làm giảm cường độ ánh sáng xanh, giúp bảo vệ mắt khi sử dụng vào buổi tối.

Giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử

Giảm thời gian tiếp xúc với màn hình bằng cách nghỉ giải lao sau mỗi 20-30 phút làm việc, hoặc sử dụng quy tắc 20-20-20: sau 20 phút nhìn màn hình, hãy nhìn một vật cách 20 feet (khoảng 6 mét) trong 20 giây.

Bổ sung vitamin

Bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, C, E và nhóm B (B6, B9, B12) như cà rốt, hạnh nhân, cam và cá giúp bảo vệ mắt khỏi tác hại của ánh sáng xanh và cải thiện sức khỏe mắt tổng thể. Những vitamin này hỗ trợ duy trì thị lực, ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng và tổn thương tế bào.

Sử dụng đèn ánh sáng ấm

Thay vì sử dụng đèn led hoặc đèn huỳnh quang có ánh sáng xanh, bạn có thể chọn đèn ánh sáng vàng hoặc ánh sáng ấm để làm việc và sinh hoạt vào buổi tối.

Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ

Cố gắng hạn chế sử dụng điện thoại, máy tính bảng hoặc laptop ít nhất 1-2 giờ trước khi đi ngủ để tránh ánh sáng xanh ức chế sản xuất melatonin, giúp cơ thể dễ dàng chìm vào giấc ngủ hơn.

Ánh sáng xanh có vai trò nhất định trong việc duy trì sức khỏe và nhịp sinh học của con người nhưng việc tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực. Để bảo vệ sức khỏe, bạn cần áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động có hại của chúng.

Tìm hiểu thêm trên Nền tảng phân phối Dược phẩm trực tuyến tại Việt Nam - Pharmarket.