Tìm kiếm
Tìm kiếm
Chăm sóc cá nhânChăm sóc sắc đẹpThực phẩm chức năngChăm sóc răng miệngHỗ trợ tiêu hóaSức khỏe tim mạchDụng cụ Y tếSinh lý - Nội tiết tốSức khỏe Mẹ & Bé
Quay lại

Những dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ và hướng can thiệp của bố mẹ

16.10.2024Mẹ và Bé

Kích thước chữ:
Tự kỷ ở trẻ em hiện nay không còn là khái niệm xa lạ nhưng vẫn đang là một trong những nỗi lo lớn nhất đối với các bậc cha mẹ. Phát hiện sớm những dấu hiệu của tự kỷ và can thiệp kịp thời là chìa khóa giúp trẻ phát triển tốt hơn, hòa nhập với xã hội.

dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ

Tự kỷ ở trẻ em là gì?

Tự kỷ (Autism Spectrum Disorder - ASD) là một nhóm rối loạn phát triển thần kinh kéo dài suốt đời, ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, tương tác xã hội và các hành vi của trẻ. 

Theo thống kê, tỷ lệ mắc tự kỷ ở trẻ em đang ngày càng gia tăng, thường xảy ra trước 3 tuổi và có thể kéo dài suốt cuộc đời. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, trẻ có thể cải thiện khả năng giao tiếp và hòa nhập xã hội.

Nguyên nhân khiến trẻ tự kỷ

Cho đến nay, nguyên nhân chính xác khiến trẻ em bị tự kỷ vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tự kỷ có thể do sự kết hợp giữa các yếu tố di truyền và môi trường, bao gồm:

  • Yếu tố di truyền: liên quan đến các biến đổi gen. Ví dụ, trong một số gia đình có người mắc tự kỷ, nguy cơ trẻ em trong gia đình cũng mắc tự kỷ sẽ cao hơn.

  • Các yếu tố môi trường: các yếu tố môi trường trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh, chẳng hạn như ô nhiễm không khí, sử dụng thuốc không đúng cách trong thai kỳ, hoặc trẻ sinh non có thể làm tăng nguy cơ mắc tự kỷ.

  • Tổn thương não bộ: một số nghiên cứu cho thấy, sự bất thường trong cấu trúc và chức năng của não bộ có thể liên quan đến tự kỷ. 

trẻ tự kỷ

Dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ

Tự kỷ có thể biểu hiện từ sớm, thường trước khi trẻ được 3 tuổi. Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến để nhận biết trẻ tự kỷ mà bố mẹ cần lưu ý:

Trẻ tự kỷ khó khăn trong giao tiếp

  • Không phản ứng khi được gọi tên, không quay lại.

  • Chậm nói so với các trẻ khác cùng độ tuổi hoặc thậm chí không nói

  • Trẻ có thể không sử dụng các ngôn ngữ cơ thể như cử chỉ vẫy tay hay lắc đầu để giao tiếp.

Trẻ tự kỷ thường hạn chế tương tác xã hội

  • Không thể hiện sự quan tâm tới người khác, ít nhận ra sự hiện diện của người khác, thường tránh tiếp xúc bằng mắt với mọi người xung quanh.

  • Không thích chơi chung, thường chơi một mình và không tham gia các trò chơi tương tác với bạn bè 

Trẻ tự kỷ thường có hành vi lặp đi lặp lại

  • Trẻ tự kỷ có thể thực hiện các hành động lặp đi lặp lại, chẳng hạn như vẫy tay, quay tròn, hoặc lắc đầu.

  • Trẻ thường chỉ quan tâm đến một số đồ vật hoặc hoạt động nhất định và không thích thay đổi môi trường hoặc thói quen.

Trẻ tự kỷ phản ứng khác thường với âm thanh, ánh sáng, hoặc cảm giác

trẻ tự kỷ nhạy cảm với âm thanh\

  • Một số trẻ tự kỷ có thể phản ứng quá mức với âm thanh lớn hoặc ánh sáng mạnh, thể hiện sự khó chịu hoặc hoảng loạn.

  • Trẻ tự kỷ có thể có phản ứng bất thường với cảm giác trên da, chẳng hạn như không muốn chạm vào những vật có kết cấu lạ hoặc không thích được ôm.

Hướng can thiệp của bố mẹ khi trẻ bị tự kỷ

Việc can thiệp sớm và đúng cách là rất quan trọng để giúp trẻ tự kỷ phát triển kỹ năng và hòa nhập xã hội tốt hơn. Dưới đây là một số hướng can thiệp mà bố mẹ có thể áp dụng:

Đánh giá và can thiệp sớm

Ngay khi nghi ngờ dấu hiệu tự kỷ, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám và đánh giá chuyên sâu bởi các chuyên gia tâm lý, bác sĩ chuyên khoa nhi. Chẩn đoán sớm giúp gia đình, nhà trường và các y bác sĩ có thể theo dõi trẻ sát sao, có kế hoạch chăm sóc và điều trị phù hợp với trẻ.

Xây dựng môi trường hỗ trợ

Bố mẹ cần tạo ra môi trường sống an toàn, ổn định và nhất quán để trẻ cảm thấy yên tâm và không bị rối loạn. Việc duy trì các thói quen hàng ngày rõ ràng, dễ đoán trước sẽ giúp trẻ giảm lo âu và thích nghi tốt hơn.

Phát triển kỹ năng giao tiếp

Dạy trẻ cách giao tiếp qua lời nói hoặc thông qua các phương pháp giao tiếp thay thế như sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ ký hiệu có thể đơn giản hóa quy trình giao tiếp và chính sự lặp đi lặp lại sẽ giúp trẻ tự kỷ dần bắt đầu tương tác với người khác.

trẻ tự kỷ phát triển kỹ năng giao tiếp

Khuyến khích hoạt động thể chất

Bố mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất như bơi lội, yoga, hoặc các trò chơi vận động nhẹ nhàng để tăng cường sức khỏe và giúp trẻ giảm căng thẳng. Các hoạt động này không chỉ giúp trẻ phát triển kỹ năng vận động, tăng sự linh hoạt mà còn cải thiện tương tác với những người xung quanh.

Trị liệu hành vi

Trị liệu hành vi (ABA - Applied Behavior Analysis) là một phương pháp can thiệp phổ biến dành cho trẻ tự kỷ, giúp trẻ học cách kiểm soát và thay đổi hành vi thông qua các nguyên tắc thưởng-phạt. Phương pháp này giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội, giao tiếp và giải quyết các hành vi không mong muốn.

Hỗ trợ tâm lý cho gia đình

Việc chăm sóc trẻ tự kỷ đòi hỏi nhiều nỗ lực và kiên nhẫn từ phía gia đình. Bố mẹ cần trang bị kiến thức về tự kỷ và tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia, nhóm hỗ trợ hoặc cộng đồng để giảm bớt căng thẳng và có kế hoạch chăm sóc hiệu quả cho trẻ.

Nhận biết sớm các dấu hiệu tự kỷ của trẻ và can thiệp là yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị sau này. Với sự kiên nhẫn và tình yêu thương, bố mẹ hoàn toàn có thể giúp con mình vượt qua những khó khăn và phát triển tốt hơn trong cuộc sống.

Tìm hiểu thêm trên Nền tảng phân phối Dược phẩm trực tuyến tại Việt Nam - Pharmarket.