Tìm kiếm
Tìm kiếm
Chăm sóc cá nhânChăm sóc sắc đẹpThực phẩm chức năngChăm sóc răng miệngHỗ trợ tiêu hóaSức khỏe tim mạchDụng cụ Y tếSinh lý - Nội tiết tốSức khỏe Mẹ & Bé
Quay lại

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD). Nguyên nhân và giải pháp tâm lý trị liệu

17.10.2024Tâm lý - Tâm thần

Kích thước chữ:
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD) là một dạng rối loạn tâm thần phức tạp và bộc lộ qua hành vi thiếu kiểm soát, nguy hiểm. Vậy ASPD là gì, biểu hiện ra sao và có những phương pháp nào để trị liệu tâm lý cho người mắc rối loạn này?

rối loạn nhân cách chống đối xã hội

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội là gì?

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội hay ASPD - Antisocial Personality Disorder là một rối loạn tâm lý rất phức tạp và nguyên nhân chưa được biết rõ. Đặc trưng của dạng rối loạn này là các hành vi không tôn trọng chuẩn mực xã hội, vi phạm quyền lợi của người khác và thường hung hăng, bạo lực.

Theo như nghiên cứu, ASPD thường bắt đầu từ giai đoạn thiếu niên nhưng các dấu hiệu có thể xuất hiện từ thời thơ ấu dưới dạng các hành vi rối loạn hành vi, như nói dối thường xuyên, bỏ học, và thậm chí bạo lực. Nếu không được can thiệp sớm, ASPD có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cá nhân và xã hội.

Biểu hiện của rối loạn nhân cách chống đối xã hội

rối loạn nhân cách chống đối xã hội

Người mắc ASPD thường biểu hiện những hành vi không phù hợp và gây hại cho xã hội. Dưới đây là một số biểu hiện chính của người mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội:

  • Không tuân thủ luật pháp: người bị ASPD thường có hành vi vi phạm pháp luật, tham gia vào các hoạt động tội phạm như trộm cắp, bạo lực hoặc lừa đảo.

  • Lừa dối và thao túng: một đặc điểm nổi bật của ASPD là khả năng lừa dối người khác để đạt được lợi ích cá nhân. Họ có thể giả vờ chân thành, nhưng thực chất chỉ để lợi dụng hoặc thao túng người khác.

  • Thiếu hối hận hoặc cảm giác tội lỗi: người mắc ASPD thường không cảm thấy hối tiếc về hành vi sai trái của mình.

  • Bạo lực hoặc hung hăng: họ có xu hướng tham gia vào các hành vi bạo lực, gây gổ hoặc đánh đập người khác và thường không kiểm soát được cảm xúc hay hành động của mình.

  • Thiếu trách nhiệm: những người mắc ASPD thường thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong công việc, các mối quan hệ và cuộc sống cá nhân. Họ thường không giữ lời hứa, bỏ rơi người thân và vi phạm các nghĩa vụ tài chính.

  • Xem nhẹ an toàn của người khác: người bệnh thường không quan tâm đến sự an toàn của người khác, có thể lái xe ẩu, gây nguy hiểm cho cả bản thân và người xung quanh mà không quan tâm đến hậu quả.

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhân cách chống đối xã hội là gì?

Nguyên nhân của ASPD rất phức tạp, thường liên quan đến cả yếu tố di truyền và môi trường. Theo các chuyên gia, để dẫn đến rối loạn nhân cách chống đối xã hội sẽ không có một nguyên nhân đơn lẻ nào gây ra mà là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau:

  • Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình có người thân mắc ASPD hoặc các rối loạn tâm lý khác như trầm cảm, rối loạn lo âu, thì nguy cơ một thành viên khác mắc ASPD cũng tăng cao.

  • Rối loạn hóa sinh trong não: sự mất cân bằng của một số chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và dopamine có thể đóng vai trò trong sự phát triển của ASPD.

  • Môi trường sống không lành mạnh: yếu tố môi trường, đặc biệt là trong thời thơ ấu lớn lên trong sự bạo lực, lạm dụng có nguy cơ cao hình thành ASPD. 

Những giải pháp tâm lý trị liệu

ASPD là một rối loạn phức tạp và khó điều trị vì người mắc ASPD thường không nhận ra vấn đề của mình và ít có động lực tự thay đổi. Tuy nhiên, với sự can thiệp đúng cách từ các chuyên gia, một số phương pháp trị liệu có thể mang lại hiệu quả tích cực như sau:

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT)

Liệu pháp nhận thức hành vi là một trong những phương pháp trị liệu phổ biến và hiệu quả trong điều trị ASPD. CBT tập trung vào việc giúp người mắc ASPD nhận thức và thay đổi cách họ suy nghĩ về bản thân, người khác và thế giới xung quanh. Trong quá trình trị liệu, người bệnh sẽ học cách kiểm soát cảm xúc, giảm thiểu hành vi bạo lực và phát triển các kỹ năng giao tiếp lành mạnh hơn.

Liệu pháp tâm lý cá nhân

Liệu pháp tâm lý cá nhân giúp người mắc ASPD phát triển sự tự nhận thức và cải thiện khả năng đồng cảm với người khác. Mặc dù, những người mắc ASPD thường có khó khăn trong việc đồng cảm, việc tìm hiểu về cảm xúc của mình và người khác qua quá trình trị liệu có thể giúp họ dần cải thiện.

Trị liệu gia đình

trị liệu tâm lý rối loạn nhân cách chống đối xã hội

Trị liệu gia đình là một phương pháp hỗ trợ hiệu quả, đặc biệt khi người mắc ASPD xuất phát từ môi trường gia đình không lành mạnh. Bằng cách tạo ra không gian để các thành viên gia đình hiểu và hỗ trợ lẫn nhau, trị liệu gia đình giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực từ mối quan hệ gia đình và giúp người mắc ASPD có sự hỗ trợ tinh thần từ những người thân yêu.

Sử dụng thuốc hỗ trợ

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc để kiểm soát các triệu chứng cụ thể của ASPD, chẳng hạn như thuốc chống loạn thần hoặc thuốc điều chỉnh tâm trạng. Tuy nhiên, thuốc không phải là phương pháp chính trong điều trị ASPD mà chỉ đóng vai trò hỗ trợ trong quá trình trị liệu tâm lý.

Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD) là một rối loạn tâm lý phức tạp với nhiều nguyên nhân và biểu hiện đa dạng. Dù ASPD là một thách thức lớn trong điều trị nhưng các phương pháp tâm lý trị liệu như CBT, liệu pháp tâm lý cá nhân và trị liệu gia đình đã chứng minh có thể mang lại những cải thiện tích cực cho người mắc rối loạn này. Điều quan trọng là sự can thiệp kịp thời và kiên nhẫn từ phía người bệnh, gia đình và các chuyên gia trong quá trình điều trị.

Tìm hiểu thêm trên Nền tảng phân phối Dược phẩm trực tuyến tại Việt Nam - Pharmarket.